Bùng nổ nhu cầu chuyển đổi kênh bán hàng sang sàn TMĐT sau Covid-19

Thói quen tiêu dùng thay đổi

Đây là đánh giá của bà Nguyễn Thúy Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số (Cục TMĐT và Kinh tế số). Theo bà Anh, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng từ truyền thống sang online một cách rõ rệt, và trở thành “chất xúc tác” cho TMĐT phát triển mạnh mẽ.

Trong báo cáo mang tên “Dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng châu Á” vừa công bố cho biết, về lâu dài, chúng ta có thể thấy các nhà bán lẻ sẽ dịch chuyển từ sử dụng không gian vật lý sang chỉ một chiến lược trực tuyến thuần túy. Các cửa hàng thực phẩm có thể chuyển trọng tâm từ các không gian vật lý sang các căn bếp “đám mây” và ứng dụng giao đồ ăn.

Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi từ mua trực tiếp sang mua online

 Ghi nhận của sàn TMĐT Shopee cũng cho thấy, trong vài tháng gần đây, hoạt động mua sắm trực tuyến trên Shopee diễn ra sôi nổi nhất vào thứ 4 và thứ 6, cho thấy người tiêu dùng Việt có thói quen hoàn thành việc mua sắm trước các ngày cuối tuần. Thói quen mua sắm online của phần lớn người dùng Việt ra vào lúc 12:00 trưa và 9:00 tối, phản ánh được thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt là vào giờ trưa hoặc trước khi ngủ. Trung bình, tổng thời gian mua sắm trên Shopee trong 1 tuần của người dùng Việt tăng hơn 25%. Điều này cho thấy TMĐT ngày càng chiếm vai trò hữu ích trong đời sống hàng ngày, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với các nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và nhiều hơn thế nữa.

 

Nhu cầu chuyển đổi kênh bán hàng bùng nổ

Đón nhận xu hướng phát triển của TMĐT, nhiều doanh nghiệp đã chuyển dần sang bán hàng trực tuyến. Cũng nhờ đó, các sàn giao dịch TMĐT trở nên tấp nập. Tuy nhiên, việc dịch chuyển dần sang một mô hình bán hàng mới khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng. Và đây là lý do để các lớp học về bán hàng trực tuyến nở rộ. Anh Khúc Mạnh Việt, Giám đốc điều hành Công ty Gốm sứ Hải Dương chia sẻ: “Hệ thống bán hàng kênh offline của chúng tôi phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid – 19 xảy ra, tình hình kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nên bắt buộc chúng tôi phải triển khai bán hàng đa kênh. Sang một mô hình mới, chúng tôi buộc phải có kế hoạch đào tạo nhân sự vận hành kênh này”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Trung Kiên, chuyên gia giảng dạy, đào tạo về TMĐT của VietMoz khẳng định: “Các khóa học TMĐT gần đây phát triển mạnh bởi nhu cầu của các cá nhân và doanh nghiệp. Đối tượng học khá đa dạng từ sinh viên, hộ kinh doanh, gười mới khởi nghiệp, doanh nghiệp,… Các khóa học “thực chiến” cầm tay chỉ việc sẽ kéo dài tầm 4-5 ngày, nội dung giúp các nhà bán tối ưu hóa lợi nhuận trên nền tảng trực tuyến, nắm vững ưu điểm, nhược điểm của mỗi kênh bán hàng, cũng như chiến lược nhân sự và vận hành chuyên nghiệp”.

 

Những khóa học về TMĐT luôn thu hút đông người học vì nhu cầu chuyển đổi sang bán hàng đa kênh. Ảnh: N.Thủy

Cũng theo anh Kiên, môi trường Digital thay đổi xu hướng liên tục nên việc các nhà bán hàng phải trang bị kiến thức, kỹ năng vận hành kênh online là vô cùng cần thiết. Sau mỗi khóa học, học viên có thể áp dụng các kỹ năng này vào giải quyết vấn đề thực tế như mở shop kinh doanh, quản lý tài chính cá nhân... Nội dung bài giảng thể hiện dưới nhiều hình thức như slide, video, kèm hệ thống bài tập thực hành và các tư liệu tham khảo hữu ích.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, kế hoạch tăng trưởng TMĐT hàng năm sẽ tăng lên 25% vào năm 2025, ước tính 10 năm nữa TMĐT sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán hàng B2C. Tuy nhiên, với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần đầu tư chiều sâu, thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng; chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng... Bên cạnh đó, doanh nghiệp TMĐT cũng cần đầu tư vào những giải pháp công nghệ mới để thu hút khách hàng, mở rộng quy mô thị trường.

Khảo sát của VECOM cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh nghiệp TMĐT trong giai đoạn cao điểm của đại dịch từ tháng 2 đến tháng 4/2020 là 14% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng chung và nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác phải đóng cửa, giải thể hay phá sản.

Số liệu của VECOM cho thấy, 19% doanh nghiệp TMĐT nhận thấy doanh thu trong giai đoạn cao điểm tăng từ 31-50% và 24% số doanh nghiệp khảo sát có doanh thu trên 51% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo: Hanoitv

Bài viết cùng danh mục